SĂN SAO CHỔI TỪ SÂN NHÀ

Các sao chổi đã gây thích thú lẫn kinh hoàng cho nhân loại trong hàng ngàn năm qua. Chúng được xem là điểm báo trước của sự diệt vong, tượng trưng cho những thảm họa sắp đến, nhưng ngày nay chúng chỉ là những đối tượng nhận được sự quan tâm lớn của các các nhà khoa học. Hiện nay chúng ta biết rằng sao chổi vốn là những mảnh băng sót lại từ thời hình thành Hệ Mặt trời, dành phần lớn cuộc đời chu du ở rất xa Mặt trời, thậm chí bên ngoài cả quỹ đạo Diêm Vương Tinh. Thi thoảng chúng lao thẳng vào vùng trong Hệ Mặt trời và nhiều nhà thiên văn tin rằng các sao chổi chịu trách nhiệm cho việc mang nhiều nước tới hành tinh chúng ta. Có thể chính sao chổi cũng mang đến các phần tử hữu cơ phức tạp, những viên gạch của sự sống. Có một điều chắc chắn chúng chính là tác nhân gây ra các trận mưa sao băng ngoạn mục mà chúng ta được thưởng thức hàng năm- khi Trái đất  quét qua vùng mảnh vụn còn lại đằng sau một sao chổi, các vật liệu này bốc cháy trong khí quyển để tạo thành sao băng.

Untitled.png
Hình trên: Sao chổi Halley ghé thăm Trái đất trong chu kì 76 năm; Hình dưới bên trái: Sao chổi Siding Spring được đặt tên theo đài thiên văn Australia, nơi phát hiện ra nó; Hình dưới bên phải: Sao chổi Hyakutate có chu kì 17 000 năm trước khi các hành tinh khí khổng lồ tác động khiến chu kì của nó lên tới 70 000 năm

Nổi tiếng nhất trong những vị khách ghé thăm thường xuyên là Sao chổi Halley, đối tượng chịu trách nhiệm gây ra mưa sao băng Orionids. Một quả cầu băng và bụi, được ghi chép bởi con người từ ít nhất năm 240 Trước CN và xuất hiện trên cả thảm dệt Bayeux. Lần cuối cùng nó đến gần Trái đất là năm 1986, khi đó Cơ quan vũ trụ châu Âu đã gửi đi phi thuyền Giotto tới nghiên cứu nhân của sao chổi Halley. Sao chổi này  sẽ không quay trở lại cho đến năm 2061. Tuy nhiên, vẫn còn vô số sao chổi đang đợi được khám phá, và nhiều trong số chúng sẽ được tìm bởi các nhà thiên văn nghiệp dư.

Một trong số đó là Lovejoy, sao chổi nổi tiếng và ngoạn mục nhất trong những năm gần đây. Nó di chuyển nhanh qua Trái đất hồi năm 2011 và được khám phá bởi nhà thiên văn nghiệp dư người Úc, Terry Lovejoy từ sân nhà của ông ở Queenland. Ông sử dụng một kính thiên văn nghiệp dư giá khoảng 1250$. Sau đó, sao chổi của Terry  lại được chụp bởi phi thuyền SOHO của NASA khi nó vượt qua Mặt trời cũng như được quan sát bởi phi hành đoàn trên ISS. Vậy, bạn đã sẵn sàng tham gia cuộc săn tìm này chưa ?

NGỒI GHẾ SĂN SAO CHỔI

Bạn hoàn toàn có thể tự tìm ra một sao chổi mà không cần phải bước ra khỏi phòng. Trong hai thập kỉ qua, Đài quan sát Nhật quyển và Mặt trời (SOHO) của NASA đã phát hiện được hơn 2700 sao chổi. Khi các vật thể tiếp cận Mặt trời, chúng ngẫu nhiên xuất hiện trong các bức ảnh được chụp. Có quá nhiều ảnh để mà các nhà thiên văn chuyên nghiệp sàng lọc được hết, vì vậy hầu như tất cả các sao chổi đang lướt qua Mặt trời đều được khám phá bởi những người nghiệp dư, đang xem xét kho ảnh lưu trữ cho cộng đồng trên webside của NASA. Trung bình cứ 3 ngày lại có một sao chổi mới được phát hiện và hầu như một nửa trong số sao chổi đã biết đến được phát hiện theo cách này. Khoảng 70 người từ 18 quốc gia đã nhận được thành quả từ phương pháp đặc biệt trên. Để tìm hiểu thêm, hãy ghé trang http://sungazer.nrl.navy.mil , đọc hướng dẫn  để bắt đầu săn tìm sao chổi.

gdfhadsf
Đài quan sát Nhật quyển và Mặt trời – SOHO

Đầu tiên bạn cần có  kiến thức về bầu trời. Các sao chổi có thể quan sát được khi chúng tới ở trong vùng xấp xỉ khoảng cách từ chúng ta tới Mộc tinh. Vì vậy nếu bạn biết chính xác vị trí mà các thiên thể phải ở đó thì thật dễ dàng để nhận ra khi có một đối tượng mới đột nhiên xuất hiện. Tốt nhất là nhìn dọc theo mặt phẳng hoàng đạo – một vùng trên bầu trời được đánh dấu bởi 12 cung hoàng đạo nổi tiếng. Vùng này nói chung nằm thẳng với mặt đĩa phẳng của Hệ Mặt trời, vì vậy bạn sẽ có khả năng tìm thấy sao chổi ở gần vùng này hơn. Một chú ý đơn giản khác là tránh đêm trăng sáng hoặc trăng tròn.

Dù một số nhà nghiệp dư đã phát hiện sao chổi chỉ nhờ ống nhòm, nhưng tốt nhất là sử dụng một kính thiên văn kích thước trung bình. Nên có tầm nhìn rộng để bạn có thể quét qua một khoảng rộng của bầu trời. Điều này có nghĩa chọn một thị kính góc rộng để cho bạn độ phóng đại thấp. Nhiều nhà săn tìm sao chổi cũng đầu tư một camera CCD, một thiết bị có thể gắn vào kính thiên văn. Bằng cách chụp phơi sáng, bạn sẽ có thể nhận diện được các vật thể khó quan sát chỉ bằng mắt thường. Nhờ thiết bị này, bạn có thể ghi lại quá trình tìm kiếm và sự dụng phần mềm máy tính để giúp bạn đệ trình kết quả lên các cơ quan có thẩm quyền.

TRANG THIẾT BỊ

Càng thu được nhiều ánh sáng càng tốt, vì vậy khuyên  bạn nên sử dụng tối thiểu  kính khúc xạ 4”.Phản xạ cũng được dùng, và thậm chí có thể săn được sao chổi chỉ cần đến ống nhòm. Nhà thiên văn nghiệp dư huyền thoại người Anh George Alcock đã khám phá đươc 5 sao chổi theo cách này, ông nhớ kĩ vị trí của 30 000 sao nên có thể dễ dàng nhận thấy khi một đối tượng lạ mặt xuất hiện.

Bạn có thể đầu tư một CCD để gắn vào kính thiên văn, bởi vì nó cho phép bạn sử dụng phần mềm xử lí ảnh để hiện thị tốt nhất quan sát của mình. Có nhiều phần mềm miễn phí, bao gồm Find_Orb và Astrometrica, đó là những sản phẩm vô giá cho thợ săn sao chổi. Họ cũng đưa dữ liệu quan sát tương đối quỹ đạo của sao chổi, đây là yếu tố quyết định nếu bạn muốn gửi kết quả quan sát cho Trung tâm Tiểu Hành tinh xem xét.

zwo_asi120mm-2a
Thiết bị CCD rất quen thuộc với các nhà thiên văn nghiệp dư

Cái bạn cần tìm là một thứ gì đó mờ mờ mà đáng ra nó không có ở đó. Hãy cẩn thận, bởi bạn có thể bị đánh lừa bởi các vật thể mờ khác không phải là sao chổi. Hồi cuối thế kỉ 18, nhà săn tìm sao chổi người Pháp, Charles Messier đã gặp phải vấn đề như vậy. Ông tưởng mình phát hiện được một số sao chổi, nhưng thay vào đó chúng chỉ là các thiên hà xa xôi, cụm sao hoặc tinh vân. Ông thu thập một danh sách những vật thể như vậy để giúp các nhà săn tìm khác tránh nhầm lẫn. Danh mục Messier vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay bởi cả những nhà thiên văn nghiệp dư và chuyện nghiệp. Nhiều thiên thể nổi tiếng góp mặt trong danh sách này bao gồm Tinh vân lớn Orion (M42) và Cụm sao Pleiades (M45). Danh sách của ông là một công vụ vô giá nếu bạn không muốn sa chân vào một cạm bẫy thiên thể nào đó.

Một đặc điểm then chốt khác là xem xét sự chuyển động. Các vật thể nằm ngoài Hệ Mặt trời, như sao và tinh vân, sẽ duy trì vị trí cố định tương đối với các chòm sao. Những chòm sao cũng di chuyển qua màn đêm vì Trái đất quay, nhưng mọi thứ ở ngoài Hệ Mặt trời sẽ xuất hiện và di chuyển dọc theo chúng ở cùng một tốc độ. Vật thể gần nhà có thể di chuyển ở tốc độ lớn, sao chổi có thể vươn tới tốc độ hàng trăm dặm mỗi giây. Nếu bạn đủ may mắn để tìm thấy một sao chổi mới và nhận được phê chuẩn của Trung tâm Tiểu Hành tinh thì sau đó bạn có thể đặt tên cho nó. Vậy phải học các kĩ năng để trở thành nhà săn sao chổi giỏi như thế nào? Bạn có thể nổi hứng vài tuần, nhưng phải mất nhiều năm để trở thành chuyên gia.

PHẢI LÀM GÌ KHI BẠN NGHĨ BẠN ĐÃ TÌM ĐƯỢC SAO CHỔI MỚI ?

Tất cả các sao chổi tiềm năng nên được thông báo trực tiếp đến Trung tâm Tiểu Hành tinh (Minor Planet Center) của Ủy ban Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union). Cơ quan này hiện nằm ở Đài Thiên văn Smithsonian, Massachuset, Hoa Kỳ.

Hướng dẫn đệ trình có thể tìm thấy tại www.minorplanetcenter.net Bạn cần gửi các chi tiết về sao chổi tiềm năng này ở định dạng cụ thể. Có thể thực hiện việc này nhờ phần mềm như Astrometrica. Sau đó máy tính của Trung tâm Tiểu hành tinh có thể tính toán xem đối tượng này có thực là khám phá mới của bạn hay không. Nếu được phê chuẩn thành công, nó sẽ xuất hiện trên biên bản xác nhận NEO của họ và bạn nhận được quyền đặt tên !

Săn sao chổi cần một chút cố gắng, nhiều hơn nữa sự kiên nhẫn nhưng phần thưởng đạt được chắc chắn sẽ rất xứng đáng. Có thể bạn sẽ là người đầu tiên nhìn thấy tảng băng cổ xưa trên bầu trời mà chưa từng được khám phá trong cả tỉ năm. Hơn nữa, sao chổi đó sẽ mãi mãi mang tên bạn, hoặc một cái tên do bạn lựa chọn, với tư cách là người phát hiện ra nó.

Dịch từ: All about space- Astronomy for beginners


Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.